Tin tức & sự kiện > Tuần lễ Nâng cao nhận thức về kháng sinh thế giới (WAAW) 18 – 24/11/2022

Tuần lễ Nâng cao nhận thức về kháng sinh thế giới (WAAW) 18 – 24/11/202215:10 CH - 22/11/2022

Kháng sinh là một nhóm thuốc đặc biệt vì việc sử dụng chúng không chỉ ảnh hưởng đến người bệnh mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng. Với những nước đang phát triển, đây là một nhóm thuốc quan trọng vì bệnh lý nhiễm khuẩn nằm trong số những bệnh đứng hàng đầu cả về tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong.

Nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về kháng thuốc (AMR) và hưởng ứng Tuần lễ Nâng cao nhận thức về kháng sinh thế giới (WAAW) được tổ chức hàng năm từ ngày 18 – 24/11. Chủ đề của WAAW năm 2022 là “Cùng nhau ngăn ngừa kháng thuốc” kêu gọi tất cả các tổ chức khuyến khích việc sử dụng thuốc kháng sinh một cách thận trọng, tăng cường các biện pháp phòng ngừa nhằm giảm sự xuất hiện và lan rộng của AMR trên cơ sở hợp tác cùng nhau thông qua hướng tiếp cận Một sức khỏe (One health).

AMR xảy ra khi vi khuẩn, vi rút, nấm và ký sinh trùng không còn đáp ứng với thuốc kháng sinh, làm cho nhiễm trùng trở nên khó khăn hoặc không thể điều trị, làm tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong. AMR là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe toàn cầu và an ninh lương thực. Việc phát triển một loại kháng sinh mới có thể mất 10-15 năm và tiêu tốn hơn 1 tỷ USD. Vào năm 2019, gần 5 triệu ca tử vong trên toàn thế giới có liên quan đến AMR, trong đó 1,3 triệu ca tử vong do vi khuẩn gây ra. Việc lạm dụng thuốc kháng sinh ở người, động vật và thực vật đang thúc đẩy sự phát triển và lây lan của AMR trên toàn thế giới. Trong thập kỷ tới, nếu AMR không được kiểm soát, có thể dẫn đến sự thiếu hụt GDP 3,4 nghìn tỷ USD mỗi năm và nguy cơ 24 triệu người rơi vào tình trạng đói nghèo.

Do đó, giải quyết tình trạng kháng kháng sinh bằng sự hợp tác cùng nhau của các tổ chức sẽ giúp chúng ta đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Sự nỗ lực tham gia các hoạt động sau đây của mỗi cá nhân và tổ chức góp phần quan trọng cho sự thành công của chiến dịch này, các hoạt động bao gồm:
- Tăng cường phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng trong các cơ sở y tế, trang trại và cơ sở công nghiệp thực phẩm: Kiểm soát quy trình chế biến thực phẩm, rửa tay trước khi nấu và giữ cho khu vực chuẩn bị thực phẩm sạch sẽ có thể giúp ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn kháng thuốc.
- Đảm bảo nguồn nước sạch, hợp vệ sinh: Sử dụng nguồn nước an toàn, hợp vệ sinh trong gia đình và cơ sở y tế có thể làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị tiêu chảy tới 60%, đồng thời giảm chi phí chăm sóc sức khỏe.
- Giảm thiểu ô nhiễm và đảm bảo quản lý chất thải, vệ sinh thích hợp trong sản xuất nông nghiệp: Việc xử lý chất thải từ đô thị, sản xuất nông nghiệp và các khu công nghiệp là các biện pháp phòng ngừa quan trọng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
- Giữ cho động vật khỏe mạnh là một biện pháp quan trọng để giảm nhu cầu điều trị kháng sinh ngay từ đầu.


 

Các bài viết khác

Đăng ký nhận tin Hỗ trợ trực tuyến

  • Yahoo Messenger
  • Skype

Liên kết logo

Quảng cáo